Những dấu hiệu của phồng lồi đĩa đệm cột sống
Phồng lồi đĩa đệm cột sống là một bệnh lý thường gặp ở cột sống với triệu chứng ban đầu rất dễ nhầm lẫn với các cơn đau nhức thông thường. Căn bệnh này nếu không điều trị kịp thời có thể chuyển thành thoát vị đĩa đệm, chèn ép rễ thần kinh, gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm.
Bệnh phồng lồi đĩa đệm cột sống là gì?
Đĩa đệm có dạng hình tròn và dẹt, cấu tạo gồm hai phần: lớp vỏ bao xơ bên ngoài và phần nhân nhầy dạng gel hoặc lòng trắng trứng bên trong. Đĩa đệm nằm giữa hai đốt sống kề cận, hoạt động như một tấm đệm hấp thu xung động, tránh ma sát khi di chuyển, giúp bảo vệ cột sống.
Phồng lồi đĩa đệm cột sống là thể nhẹ của thoát vị đĩa đệm, xảy ra khi đĩa đệm phồng hoặc lồi ra sau – nơi vòng sợi bị suy yếu. Lúc này, nhân nhầy vẫn còn nằm trong bao xơ, chưa lệch khỏi vị trí trung tâm nên không gây chèn ép dây thần kinh.
Dấu hiệu nhận biết phồng đĩa đệm
Bệnh phồng lồi đĩa đệm cột sống thường không có dấu hiệu cụ thể ở giai đoạn đầu. Về lâu dài, người bệnh cảm thấy một số triệu chứng khó chịu như:
- Đau, tê, ngứa ran ở vùng cổ, lan xuống cánh tay, bàn tay hoặc ngón tay.
- Đau mỏi lưng, nhất là vùng thắt lưng.
- Đau lan phía trên và phía trong đùi.
- Tê, yếu, ngứa ran bàn chân hoặc ngón chân.
Tùy theo mức độ, vị trí phình lồi, mỗi người có những triệu chứng khác nhau. Cơn đau có thể đến bất chợt, kéo dài trong vài ngày rồi tự hết nên khiến nhiều người chủ quan không đi khám ngay.
Phồng lồi đĩa đệm cột sống có nguy hiểm không?
Phồng lồi đĩa đệm cột sống thường không nguy hiểm nhưng nếu không có chẩn đoán đúng và điều trị sớm, lâu ngày người bệnh mang vác nặng, gặp chấn thương hoặc ảnh hưởng từ quá trình lão hóa sẽ dẫn đến thoát vị đĩa đệm.
Khi đó, nhân nhầy lệch khỏi vị trí ban đầu, thoát ra ngoài, làm rách bao xơ, chèn ép trực tiếp lên tủy sống và dây thần kinh, gây nên những cơn đau nhức dai dẳng. Nhiều trường hợp giảm khả năng vận động rõ rệt, thậm chí rối loạn đại tiểu tiện, mất cảm giác và phản xạ gân cơ, tê liệt tứ chi nếu khối thoát vị chèn ép vào tủy sống thần kinh ở mức độ nặng.
Cách điều trị lồi đĩa đệm
Uống thuốc giảm đau. Các loại thuốc không kê đơn – chẳng hạn như ibuprofen (Advil, Motrin IB, những loại khác) hoặc naproxen (Aleve, những loại khác) – có thể giúp giảm đau do lồi đĩa đệm.
Sử dụng cách chườm nóng hoặc chườm lạnh: Ban đầu, túi lạnh có thể được sử dụng để giảm đau và viêm. Sau một vài ngày, bạn có thể chuyển sang chườm nóng để giảm đau và thoải mái hơn.
Tránh nằm quá nhiều trên giường: Nghỉ ngơi tại giường quá nhiều có thể dẫn đến khớp cứng và cơ bắp yếu – có thể làm phức tạp quá trình phục hồi của bạn. Thay vào đó, bạn hãy nghỉ ngơi trong tư thế thoải mái trong 30 phút, sau đó đi bộ ngắn hoặc làm một số công việc nhẹ nhàng. Cố gắng tránh các hoạt động làm nặng thêm cơn đau của bạn trong quá trình chữa lành.