Những biểu hiện của thoái hóa khớp gối
Thoái hóa khớp gối là căn bệnh diễn tiến âm thầm nên rất ít người phát hiện kịp thời. Đau mặt trước khớp gối, xuất hiện tiếng kêu lạo xạo khi gấp duỗi là dấu hiệu sớm nhất nhưng nhiều người thường chủ quan bỏ qua.
Thoái hóa khớp gối là gì?
Khớp gối có vị trí tiếp giáp giữa ba xương: đầu dưới của xương đùi, đầu trên của xương chày và mặt sau của xương bánh chè, được che phủ bởi sụn khớp. Khớp gối có vai trò rất quan trọng, gánh toàn bộ cơ thể và là khớp vận động nhiều nhất, do đó nó rất dễ bị thoái hóa.Thoái hóa khớp gối là hiện tượng xảy ra những thương tổn trước hết trên bề mặt sụn khớp. Theo thời gian, sụn khớp bị bào mòn, trở nên xù xì và mỏng, mất tính đàn hồi, không bảo vệ được đầu xương. Sau đó xảy ra những biến đổi ở bề mặt khớp, tăng sự lắng đọng canxi hình thành các gai xương, cuối cùng dẫn đến các biến dạng khớp, làm hư khớp.
Dấu hiệu nhận biết thoái hóa khớp gối
Để chẩn đoán thoái hóa khớp gối, bác sĩ cần theo dõi diễn biến của bệnh, thăm khám khớp gối và toàn thân:
– Giai đoạn khởi phát: người bệnh có cơn đau ở mặt trước và trong khớp gối, nghe tiếng lụp cụp hoặc lạo xạo khi gấp duỗi. Tuy nhiên cơn đau thoáng qua và biểu hiện mơ hồ nên người bệnh không để ý.
– Giai đoạn giữa: Người bệnh đau tăng khi vận động, đặc biệt khi chuyển từ tư thế ngồi sang đứng, đi lại, lên xuống cầu thang, cơn đau giảm lúc nghỉ ngơi. Có hiện tượng cứng khớp buổi sáng kéo dài trong 30 phút hoặc ít hơn. Hầu như người bệnh không đi khám ngay mà chỉ dùng thuốc kháng viêm, giảm đau.
– Giai đoạn thương tổn: Đứng lên ngồi xuống cực kỳ khó khăn, không thể lên cầu thang do mức độ khô khớp nặng. Tiếng kêu cọt kẹt, rột roạt trong khớp càng lớn.
Khi bác sĩ thăm khám, ấn khớp gối có cảm giác đau và sưng. Khớp sưng to là do tràn dịch, mọc chòi xương hoặc có khối u vùng khoeo mặt sau khớp.
Để chẩn đoán chính xác, bệnh nhân cần thực hiện một số chỉ định:
– Chụp X-quang: phát hiện dấu hiệu hẹp khe khớp, mọc gai ở thân xương và xương bánh chè, tăng đậm độ xương dưới sụn, hiện tượng vôi hóa ở gân khoeo sau.
– Siêu âm khớp: phát hiện tổn thương tràn dịch khớp, hẹp khe khớp, gai xương, đánh giá độ dày sụn khớp.
– Chụp cộng hưởng từ MRI: quan sát hình ảnh khớp trong không gian 3 chiều, phát hiện tổn thương sụn khớp, dây chằng, màng hoạt dịch.
– Nội soi khớp: quan sát trực tiếp và đánh giá chính xác mức độ tổn thương thoái hóa khớp gối, phân biệt rõ ràng với các bệnh lý về khớp khác.
– Xét nghiệm máu và sinh hóa, xét nghiệm dịch khớp để kiểm tra bạch cầu, độ nhớt…