Khám sức khỏe định kỳ: Cha mẹ chủ động, con mạnh khỏe
Hiện nay, việc thực hiện khám sức khỏe cho trẻ, theo hướng chủ động và định kỳ là chưa được gia đình và xã hội quan tâm. Nhiều bà mẹ thường có thói quen tự mua thuốc chữa bệnh cho con, và chỉ đưa trẻ tới khám bác sỹ khi bệnh đã quá nặng.
Đặc biệt nếu như trước đây, trẻ em chủ yếu mắc các bệnh nhiễm khuẩn và thiếu dinh dưỡng thì hiện nay các bệnh nhiễm khuẩn có xu hướng giảm đi, các bệnh rối loạn chuyển hóa, trầm cảm, ung thư, bệnh dị ứng và các dị tật bẩm sinh lại có chiều hướng gia tăng, nhất là tình trạng béo phì. Theo các kết quả điều tra của trung tâm dinh dưỡng Tp.HCM, tỷ lệ thừa cân của trẻ dưới 5 tuổi ngoài cộng đồng tăng dần: năm 1992 là 2,2%, năm 2002 lên 3,6%, đến năm 2007 là 12,3%. Trẻ thừa cân , béo phì hay đi kèm với các bệnh như bệnh tim mạch, tiểu đường, nguy hiểm hơn vì có thể dẫn đến dậy thì sớm, ngừng tăng trưởng sớm và các ảnh hưởng tâm lý như tự ti, nhút nhát, kém hòa đồng….
Khám sức khỏe cho trẻ cần được thực hiện một cách chủ động
Ngày nay chúng ta được làm quen với kiểm tra sức khỏe tổng quát dành cho người lớn nhưng vẫn còn thờ ơ với trẻ nhỏ. Thực chất trong quá trình phát triển của trẻ, một vài sự rối loạn phát triển và bệnh tật sẽ xuất hiện ở những lứa tuổi nhất định nên rất cần khám đúng thời điểm.
Ngay cả trong trường hợp mà lần khám trước cho kết quả khám bình thường, thì cha mẹ cũng không nên bỏ qua các lần khám sau.Ngoài việc khám với bác sỹ chuyên khoa nhi cần thực hiện các xét nghiệm như xét nghiệm máu, nước tiểu, chụp X – quang…sẽ giúp sàng lọc và hỗ trợ chẩn đoán và hỗ trợ các bác sỹ chẩn đoán chính xác hơn, phát hiện sớm các vấn đề bất thường của trẻ, đưa ra những hướng tư vấn, điều trị kịp thời với cha mẹ của trẻ.
Do đặc điểm lứa tuổi, trẻ có thể có khó khăn về ngôn ngữ, thị giác, thính giác, hay khả năng tập trung kém mà cha mẹ chưa kịp nhận ra qua quan sát bình thường. Khám sức khỏe định kỳ sẽ phát hiện sớm những bất thường này, trẻ có thể sớm được giúp đỡ, ngay cả trước khi tới nhà trẻ và đến trường học và như vậy, kết quả điều trị sẽ có hiệu quả hơn.
Khi đến tuổi đi học, trẻ lại dễ mắc các bệnh nhiễm trùng, đặc biệt là nhiễm trùng hô hấp, các bệnh về cột sống, bệnh về răng miệng, các tật của mắt… và khi trẻ lớn lên bước vào giai đoạn dậy thì, những vấn đề rối loạn chức năng khiến nhiều cha mẹ chủ quan bỏ qua.
Mỗi giai đoạn của trẻ có các đặc điểm riêng như trên nên kiểm tra sức khỏe đúng định kỳ, khám sức khỏe tổng quát có hệ thống là chúng ta đang chủ động theo dõi quá trình phát triển về thể chất và tâm sinh lý của con mình.
Làm được điều này chính là gia đình đã giúp bác sỹ có một bức tranh tổng thể về sự phát triển của trẻ, hỗ trợ kịp thời những vấn đề chưa hợp lý về nuôi dưỡng, các bệnh lý tiềm tàng để có hướng điều trị sớm.